KỸ THUẬT CHỤP ẢNH CHÂN DUNG

Kỹ thuật chụp ảnh chân dung là điều cần biết cho những người mới tiếp xúc với thể loại này. Để có một bộ ảnh chân dung đẹp rất khó, bởi chúng cần được phối hợp giữa nhiều yếu tố về mặt kỹ thuật . Trước hết là cách tạo dáng và tư thế đứng của mẫu… Không những thế, người chụp còn phải thật nhạy bén với khung cảnh và có sự phối hợp ăn ý với mẫu chụp xuyên suốt buổi chụp thì mới có sự hiệu quả.

Nhìn chung, để có được một bức hình chân dung thì điều kiện tiên quyết là người chụp phải áp dụng nhiều phương pháp, cách thức khác nhau. Dưới đây là một số lưu ý mà Khải Vinh Academy chia sẻ để bạn có thể chụp ảnh chân dung một cách hoàn hảo nhất.

1. Kiểu chụp

Một bức ảnh chân dung đẹp là một bức ảnh có kiểu chụp che đi được khuyết điểm và lột tả được nét đẹp của mẫu chụp. Chính vì vậy xác định đúng kiểu chụp phù hợp cho mẫu là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, nếu như kiểu chụp đa dạng, phong phú, mới lạ thì người xem cũng sẽ không cảm thấy nhàm chán và cảm thấy thích thú hơn đối với bộ ảnh.

1.1. Nghiêng 3/4 

Kiểu chụp này rất thích hợp với những đối tượng có mặt tròn bởi nó sẽ tạo hiệu ứng đường nét khuôn mặt cho gương mặt của họ. Với kiểu này, mặt đối tượng sẽ quay sang một phía sao cho khuôn ngắm máy ảnh nhìn thấy 3/4 khuôn mặt, tư thế hơi nghiêng so với trục ống kính. Đặc điểm để nhận dạng đúng kiểu chụp này là một tai sẽ được nhìn thấy rõ còn tai kia thì bị khuất.

 

1.2. Kiểu bán diện 

Kiểu chụp bán diện chỉ phù hợp với những người có khuôn mặt nhìn nghiêng đẹp với sống mũi dọc dừa. Ngoài ra các đặc điểm khác của đối tượng như tóc, lông mi cũng phải được trau chuốt cẩn thận. Bởi lẽ, kiểu chụp này chủ yếu hướng đến khuôn mặt chứ không tập trung vào tư thế thân hình. Đối với kiểu chụp này, tùy trường hợp mà mẫu có thể ngước mắt lên, xuống. Ngoài ra cũng có thể cúi, ngửa mặt để có thể tạo ra nhiều bức ảnh phong phú và đẹp mắt.

1.3. Kiểu chân phương 

Kiểu chụp này phù hợp với những bạn mẫu có khuôn mặt thon gọn, trái xoan. Chân phương (hay kiểu chụp chính diện) sẽ mô tả cực kỳ chính xác vẻ đẹp tự nhiên của khuôn mặt. Ngoài ra nó cũng lột tả được thần thái của mẫu ảnh. Với kiểu chụp này, đối tượng sẽ hướng ánh mắt, khuôn mặt và thân hình trực diện với ống kính. Đặc điểm để nhận dạng đúng kiểu chụp này là hai tai phải được nhìn thấy rõ và chúng cũng cần phải cân đối với nhau.

2. Tư thế chụp

Để chụp ảnh chân dung đẹp, tư thế chụp là một yếu tố mà người chụp không nên bỏ qua. Như vậy, trước hết ta cần tìm hiểu khái niệm tư thế chụp là gì? Tư thế là  dáng dấp điệu bộ bên ngoài, nó không chỉ hỗ trợ cho vẻ mặt nhằm biểu lộ thái độ, phong cách, tâm trạng của mẫu chụp mà còn tạo khả năng diễn xuất nhiều trạng thái tình cảm. Vận dụng tốt các kiểu tư thế chụp sẽ giúp việc miêu tả mẫu ảnh càng thêm tinh tế, giải quyết được những trường hợp đối tượng khó bộc lộ tâm tư tình cảm trên khuôn mặt.

2.1. Tư thế 2/3 người 

Tư thế 2/3 là tư thế thu hình từ trên đầu gối một chút trở lên. Nói cách khác là lấy gần hết chiều dài đùi của mẫu. Tùy thuộc vào ý đồ của người chụp mà có thể chụp cắt ngang phần đùi hoặc cao hơn. Ngoài ra, bạn hãy lưu ý rằng tư thế này chỉ phù hợp với đối tượng có thân hình cân đối mà thôi.

Tư thế 2/3 thường chụp khi đứng để dễ thể hiện. Nhưng bạn cũng không nên để đối tượng nhô lên nền trời quá cao với những bối cảnh có thêm người, phong cảnh. Lý do bởi vì sẽ khiến người xem có cảm giác như quá đề cao nhân vật.

2.2. Tư thế bán thân 

Tư thế bán thân là tư thế mà ống kính chỉ thu phần nửa trên của đối tượng vào ảnh. Tư thế này đặc tả trung bình, thường thể hiện kiểu chân phương đứng đắn. Ngoài ra cũng miêu tả nét mặt theo phong cách nghệ thuật. Lưu ý rằng bạn cần để ý đến đặc điểm hình thể và các chi tiết khuôn mặt của mẫu.

2.3. Thế toàn thân 

Thế chụp toàn thân diễn tả tổng thể đối tượng với các tư thế động tác của thân hình đến tay chân. Với thế chụp này người chụp cần căn cứ vào vẻ mặt, dáng người cùng thói quen tâm trạng của đối tượng mà điều chỉnh hướng mặt theo các góc độ thích hợp. Điều khó nhất là làm sao để chân tay biểu lộ được tình cảm ra tư thế động tác mà vẫn phải giữ được sự tự nhiên. Vì vậy trước khi chụp cần lựa chọn tư thế phù hợp sẵn và chuẩn bị những thủ pháp kỹ thuật để đạt được hiệu quả cao.

3. Một số lưu ý khác khi chụp ảnh chân dung

3.1. Địa điểm

Địa điểm chụp là yếu tố rất quan trọng trong chụp ảnh chân dung. Vì vậy trước buổi chụp, bạn nên tìm hiểu trước các địa điểm tốt để chụp ảnh. Như thế sẽ tiết kiệm thời gian hơn cho bạn mà lại còn có nhiều tấm ảnh đẹp hơn.

Khi chụp hãy dùng ống kính góc rộng để lấy được cả những cảnh vật xung quanh. Thế nhưng kinh nghiệm là hãy tránh để hậu cảnh lộn xộn quá nhiều chi tiết. Bởi vì chúng có thể khiến chủ thể bị chìm đi và bố cục mất đi điểm nhấn.

Ngoài ra, bạn nên có những kế hoạch dự phòng trường hợp thời tiết xấu. Giải pháp là có thể một địa điểm để chụp trong nhà ở gần đó.

3.2. Tạo bố cục

Ngoài việc loại bỏ những vật xung quanh, người chụp cũng có thể sử chúng để tạo bố cục. Khai thác các vật thể ngoại cảnh cũng có thể giúp bức ảnh sinh động và bắt mắt hơn. Ví dụ như khung vòm, nhánh cây, hành lang, tú sách, chậu hoa hay là ban công. Không những thế, những người xung quanh cũng có thể tạo bố cục giúp nổi bật đối tượng chính.

3.3. Quy tắc crop ảnh

Các bạn hãy để ý quy tắc trước khi crop ảnh đễ không vỡ bố cục, bạn nhé. Cụ thể, các bạn hãy xem hình minh họa dưới đây để hiễu rõ về vấn đề này nhé. Những đường màu xanh là bạn có thể cắt theo tùy trường hợp, còn những đường màu đó là bạn không nên cắt.

3.4. Thời điểm chụp

Để có ánh sáng phù hợp, bạn nên cân nhắc về thời điểm trước khi chụp. Theo kinh nghiệm của mình, chụp vào sáng sớm hoặc chiều muộn sẽ là tốt nhất. Ngoài ra, những ngày nhiều mây cũng là thời điểm đáng cân nhắc để chụp ảnh chân dung. Trời nhiều mây sẽ giống như một hộp khuếch tán ánh sáng mang đến ánh sáng dịu và đẹp hơn. Còn nếu như bạn chụp trong nhà thì hãy chọn vị trí gần cửa sổ. Điều đó sẽ giúp bạn có ánh sáng dịu gián tiếp.

3.5. Ánh mắt của mẫu chụp

Ánh mắt là chi tiết miêu tả thần thái của mẫu chụp. Chính vì vậy nên nó là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng tấm ảnh. Nếu chụp theo kiểu bán diện, bạn hãy chú ý chỉnh nét vào bên mắt gần nhất của chủ thể.

Nếu chụp chân dung hãy dùng chế độ chụp liên tục để tránh không ai bị nhắm mắt khi chụp. Khi chụp trẻ em có thể dùng một món đồ chơi để thu hút ánh mắt của trẻ.

Trên đây là những lưu ý về kỹ thuật chụp ảnh chân dung mà Khải Vinh chia sẻ với bạn sau nhiều năm hoạt động. Mong rằng chúng sẽ giúp bạn phần nào trên con đường nhiếp ảnh của riêng mình.

Nếu muốn tìm hiểu thêm những bí quyết về kỹ thuật chụp ảnh chân dung, hãy liên hệ ngay hotline của Khải Vinh  0899 11 3979

Khải Vinh Academy cung cấp các khóa học chụp ảnh chuyên nghiệp từ cơ bản đến nâng cao. Khóa học sẽ kéo dài trong 7 ngày bao gồm đầy đủ các kỹ năng về lý thuyết, quan sát và thực hành. Đảm bảo kết quả đầu ra là bạn có thể sáng tạo và thỏa sức đam mê nhiếp ảnh một cách bài bản nhất.